

(Trích bài đăng trên báo Thừa Thiên Huế ngày 30/11/2015)
Trong điều kiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp, chương trình giải tỏa và di dời nghĩa địa ra khỏi các khu dân cư là một mục tiêu lớn mà TP Huế đặt ra, nhằm bảo đảm hai mục tiêu tạo quỹ đất phát triển đô thị và chỉnh tạo, tạo lập cảnh quan. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh thực hiện chủ trương này là không hề đơn giản.
Cùng với định hướng quy hoạch mở rộng, nâng cấp đô thị, nhiều năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực đầu tư nguồn lực để thực hiện chương trình giải tỏa mồ mả ra khỏi các khu dân cư. Từ năm 2000 đến nay, một diện tích khá lớn nghĩa địa được chính quyền thành phố tổ chức di dời để phục vụ cho mục đích phát triển đô thị, sắp xếp tái định cư, tạo quỹ đất xen ghép đem lại nguồn thu cho ngân sách, cũng như xây dựng nhiều công viên, quảng trường, công trình văn hóa. Có thể kể ra đây như: Khu vực tượng đài vua Quang Trung tại Núi Bân, Khu du lịch tâm linh đền Huyền Trân Công Chúa, các khu quy hoạch Bàu Vá, Lịch Đợi, khu biệt thự Thủy Trường, khu quy hoạch Hương Sơ, công viên ngã ba Thánh Giá... và mới đây nhất là giải tỏa để xây dựng dự án Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế rộng 25,6 ha ở phường An Tây (trong đó diện tích đất mồ mả 4 ha). Hiện nay, việc thực hiện giải tỏa vẫn đang tiến hành, như dự án giải tỏa Hương Sơ giai đoạn 9, Khu biệt thư Tam Thai, các dự án nhà ở ở phường Xuân Phú, An Đông...
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, do lịch sử để lại nghĩa địa nằm ở hầu hết các địa bàn, trong đó nhiều phường có diện tích rất lớn như An Tây, An Cựu, Thủy Xuân, Hương Long, Thủy Biều, Phường Đúc. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì việc bố trí nguồn lực để di dời, giải tỏa là một kết quả đáng ghi nhận. Bằng nguồn ngân sách, chương trình di dời nghĩa địa đã giải tỏa ước đạt diện tích khoảng trên 60 ha, với khoảng trên 260 nghìn ngôi mộ lớn nhỏ. Kinh phí dành cho hỗ trợ di dời, giải tỏa cũng như đầu tư hạ tầng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Việc giải tỏa mồ mả đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển đô thị và tạo diện mạo mới cho thành phố.
Bài toán nan giải
Theo số liệu của Sở Xây dựng, diện tích đất lăng mộ của thành phố Huế ước tính trên 538 ha, nếu tính bình quân 4 m2/mộ thì số lượng ngôi mộ ước tính lên đến 1,7 triệu ngôi mộ, với giá trị hỗ trợ đền bù hiện thấp nhất 1 triệu 620 nghìn đồng/ mộ đất và 1 m2 mộ xây có giá hỗ trợ từ 700 nghìn đồng – 2,7 triệu đồng, uớc tính nguồn kinh phí dành cho hỗ trợ đền bù là vô cùng lớn.
Vấn đề ở đây là thành phố tìm đâu ra nguồn lực lớn như vậy để giải tỏa tất cả hệ thống nghĩa địa ra khỏi thành phố, bởi không phải diện tích giải tỏa nào cũng có thể phát triển đô thị, tạo quỹ đất, xây khu quy hoạch tạo nguồn thu mà nhiều diện tích giải tỏa chỉ là để chỉnh trang đô thị, xây dựng các không gian cảnh quan như: Khu vực núi Bân, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh...Và bài toán nan giải đặt ra là tìm ra quỹ đất đủ lớn để cải táng, di dời giải tỏa toàn bộ nghĩa địa ra khỏi địa bàn thành phố. Trong khi đó, hệ thống nghĩa trang theo quy hoạch của tỉnh lại chưa đánh giá tổng thể và toàn diện, chưa tính hết khả năng phải di dời, giải tỏa số lăng mộ nằm trên diện tích hơn 500 ha hiện có. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường và công trình đô thị Huế cho biết, Công ty đang quản lý 4 nghĩa trang, trong đó có 2 nghĩa trang ở phía bắc là nghĩa trang ở Hương Hồ rộng (60 ha) phần lớn đã được lấp đầy, nghĩa trang nhân dân ở thị xã Hương Trà (rộng 30 ha), mới đưa vào sử dụng từ năm 2013 nhưng cũng đã đạt tỷ lệ hơn 40 %, dự kiến cũng chỉ đến năm 2020 là đóng cửa. Ở phía nam thành phố, cũng có 2 nghĩa trang: Nghĩa trang Thủy Phương rộng 46 ha đã lấp đầy, và một nghĩa trang mới ở Thủy Phù chuẩn bị đi vào hoạt động vào năm 2016 rộng 40 ha. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, các nghĩa trang này chủ yếu cũng để chôn cất người chết chứ chưa không đủ để phục vụ cho công tác giải tỏa mồ mả
Nguồn: baothuathienhue.vn